Tin tức
Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 họp phiên đầu tiên
Chiều 10/4, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm năm 2019 đã họp phiên đầu tiên. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Theo Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019, Ban Chỉ đạo gồm 37 thành viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là Trưởng ban. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 32 thành viên.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại phiên họp cho thấy, công tác chuẩn bị thi và tuyển sinh năm 2019 đã được tiến hành tích cực trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh những năm trước đó, nhất là năm 2018. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi, tuyển sinh đã được ban hành đầy đủ trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành nên có tính thực tế, khả thi và đồng thuận xã hội cao, đảm bảo làm căn cứ pháp lý để chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019.
Cụ thể một số công việc đã được triển khai thời gian qua: Hoàn thiện phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm; đồng thời tổ chức tập huấn các phần mềm này; chuẩn bị ra đề thi; tổ chức đăng lý dự thi THPT quốc gia, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đáp ứng tiến độ và yêu cầu tổ chức thi; dự thảo phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi…
Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức cho tất cả các thành phần, đối tượng tham gia vào kỳ thi, từ các thành viên Ban chỉ đạo trung ương, địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng chuyển tải toàn bộ tài liệu, thông tin đến từng trường THPT, có văn bản yêu cầu giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, phụ huynh tham khảo đầy đủ các thông tin, tài liệu này, tránh việc thông tin về kỳ thi, tuyển sinh không đến được với những người cần biết.
Riêng với những người tham gia tổ chức kỳ thi, Bộ trưởng chỉ đạo cần xây dựng một cẩm nang ngắn, trong đó làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng người; từng bước, từng khâu để thực hiện vai trò, trách nhiệm.
Bộ trưởng đề cập đến từng khâu của kỳ thi như chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi với chỉ đạo chung là phải chọn đúng người tham gia vào các khâu; nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng người. “Đây không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm với xã hội” - Bộ trưởng nêu rõ.
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác thanh tra với bài học về trường hợp 2 thanh tra bỏ vị trí khi làm nhiệm vụ giám sát khâu quét bài thi tại Hà Giang năm 2018, Bộ trưởng chỉ đạo, đội ngũ làm công tác thanh tra phải được lọc lựa kỹ, có chuyên môn, nghiệp vụ sâu, tinh thần trách nhiệm cao; các đoàn thanh tra phải có cơ cấu gọn nhẹ; công tác thanh tra đảm bảo thực chất. “Tất cả các khâu của kỳ thi phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động thanh tra, giám sát. Có vấn đề gì đội ngũ này phải chịu trách nhiệm”.
Đối với công tác tuyển sinh, Bộ trưởng nêu rõ, phải thể hiện được rõ vai trò của hướng nghiệp trong công tác tuyển sinh, tránh việc vì được đăng ký nhiều nguyện vọng mà học sinh mơ hồ trong định hướng nghề nghiệp. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham gia tuyển sinh tăng cường hướng dẫn cho học sinh để các em chọn lựa đúng ngành, trường phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với khối trường sư phạm và trường sức khỏe, Bộ sẽ thành lập hội đồng điểm sàn để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành đào tạo này.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi; thành lập Hội đồng ra đề thi THPT quốc gia năm 2019; nhanh chóng hoàn thiện phần mềm thi, tuyển sinh; hoàn thiện phương án điều động các trường đại học, cao đẳng về địa phương phối hợp tổ chức thi; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thi, tuyển sinh; tăng cường truyền thông về thi và tuyển sinh…
Nguồn: moet.gov.vn
» Tin mới nhất:
- Hội nghị tổng kết công tác pháp chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 (11/10/2024)
- 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục (30/08/2024)
- TỔNG KẾT 30 NĂM CÔNG TÁC THANH TRA CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN (17/05/2024)
- 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024 (21/02/2024)
- Bộ GDĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (30/11/2023)
» Các tin khác:
- Một số điểm mới tại kỳ thi THPT Quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ-TCSP năm 2019 (21/03/2019)
- Một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 (03/01/2019)
- Bộ GD&ĐT thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (05/12/2018)
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ (09/11/2018)
- Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 (SWIS-2018) (12/10/2018)
- Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019 (20/08/2018)
- Ban hành Quy định về công tác kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (02/08/2018)
- Bộ GDĐT hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh ĐH, CĐ và TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2018 (19/06/2018)
- Phòng Thanh Tra – 20 năm hình thành và phát triển (09/05/2018)
- Danh sách máy tính bỏ túi được đem vào phòng thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018 (24/04/2018)