Bài viết
Phát huy vai trò của tổ chức thanh tra nội bộ trong đấu tranh chống tiêu cực tại các cơ sở giáo dục đại học
Ths. Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Thanh tra – Pháp chế Đại học Duy Tân
Tổ chức Thanh tra nội bộ (TTNB) trong cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) do Hiệu trưởng, Giám đốc, Viện trưởng (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng)thành lập. TTNB có chức năng tham mưu, giúp Hiệu trưởng thực hiện công tác TT, kiểm tra nhằm đảm bảo việc thi hành pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục.
Hiện nay, trong tất cả các cơ sở GDĐH đều có tổ chức TTNB hoặc cán bộ làm công tác TT (sau đây gọi chung là TTNB). Tuy nhiên, hoạt động của TTNB trong các cơ sở GDĐH chưa đồng đều – nơi mạnh, nơi yếu. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại một số cơ sở GDĐH đã để xẩy ra hàng loạt sai phạm trong tuyển sinh, đào tạo và quản lý, gây bức xức trong dư luận. Tuy nhiên, những sai phạm này chủ yếu do TT Bộ GD&ĐT, TT các Bộ chủ quản và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện, làm rõ và đưa ra công luận. Điều đáng nói là trong các cơ sở GDĐH đó đều có TTNB nhưng đã không kịp thời ngăn chặn, giải quyết hay kiến nghị lên TT cấp trên để giải quyết những sai phạm tại chính đơn vị của mình. Vậy đâu là nguyên nhân chính của thực trạng này?
Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính như sau:
Nguyên nhân chủ quan:TTNB trong một số cơ sở GDĐH còn yếu về nghiệp vụ, thiếu tính chiến đấu, ngại va chạm, sợ mất lòng nên “dĩ hòa vi quý”, thậm chí có một vài cán bộ TT cũng vướng vào tiêu cực nên đã để cho các hành vi tiêu cực tự do phát triển.
Nguyên nhân khách quan: Hiệu trưởng ở một số cơ sở GDĐH đã không kiên quyết chống tiêu cực, thậm chí còn vướng vào tiêu cực nên TTNB trong các cơ sở đó không phát huy được vai trò, chức năng của mình.
Để phát huy vai trò của TTNB trong đấu tranh chống tiêu cực tại các cơ sở GDĐH, tôi xin nêu một số giải pháp sau:
Thứ nhất,TTNB phải thực sự là một “đơn vị văn hóa” trong cơ sở GDĐH. Theo đó, mỗi cán bộ TT phải luôn luôn tự rèn luyện mình để trở thành người cán bộ, chuyên viên có phẩm chất đạo đức tốt (gương mẫu, liêm khiết, công bằng, khách quan, đoàn kết…), có ý chí, nghị lực và lập trường vững vàng (không ngại va chạm, không ngại khó khăn và không bị lay động trước cảm dỗ về vật chất và quyền lực,…). Đây là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công không chỉ trong việc thực hiện nhiệm vụ mà còn trong việc nhìn nhận, đánh giá và cộng tác của cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học đối với TTNB.
Thứ hai, thực hiện tốt chức năng quan trọng nhất của TTNB là chức năng tham mưu, đặc biệt là tham mưu cho Hiệu trưởng kịp thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý, phục vụ đào tạo, vv…. Tuy nhiên, TTNB hoạt động có hiệu quả được xem xét ở khía cạnh là không để hành vi tiêu cực xảy ra. Có nghĩa là, TTNB phải tăng cường công tác giám sát, tìm hiểu dư luận, …. để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để từ đó tham mưu cho Hiệu trưởng các giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, TTNB cần thường xuyên tổ chức TT hoặc kiểm tra chuyên đề để phát hiện những dấu hiệu tiêu cực hoặc hành vi tiêu cực có tính tinh vi, khó phát hiện bằng giám sát hay kiểm tra thông thường.
Đối với dấu hiệu vi phạm hay hành vi vi phạm có tính phức tạp đòi hỏi TTNB phải tiến hành kiểm tra đột xuất hoặc tham mưu cho Hiệu trưởng thành lập Đoàn TTNB với lực lượng nòng cốt là cán bộ TT để tiến hành TT đột xuất mới có thể có ý kiến tham mưu chính xác.
Khi được Hiệu trưởng đồng ý TT đột xuất, Đoàn TTNB cần phải thực hiện nghiêm ngặt các nội dung trong Quy định về tổ chức và hoạt động TTtrong cơ sở GDĐH, trường trung cấp chuyên nghiệp(ban hành kèm theo Quyết định số 14/2006/QĐ-BGDĐT ngày 25/4/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) và Quy chế hoạt động của Đoàn TT (ban hành kèm theo Quyết định số 2151/2006/QĐ-TTCP ngày 10/11/2006 của Tổng TT Chính phủ). Theo đó, quy trình TT cần phải được thực hiện như sau:
+ Chuẩn bị thanh tra:xây dựng kế hoạch TTtrình Hiệu trưởng duyệt; họp đoàn TTđể phổ biến kế hoạch TT; xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng TT báo cáo.
+ Tiến hành thanh tra:công bố quyết định TT, kế hoạch TT và các yêu cầu liên quan khác; tiếp thu báo cáo của đối tượng TT; thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; các thành viên báo cáo tiến độ và kết quả cho trưởng đoàn để báo cáo Hiệu trưởng.
+ Kết thúc thanh tra:trưởng đoàn thông báo kết thúc việc TT tại nơi được TT; trưởng đoàn xây dựng dự thảo báo cáo kết quả TT; họp đoàn TT; báo cáo kết quả TT; trưởng đoàn TT xây dựng dự thảo kết luận TT trình Hiệu trưởng; công bố kết luận TT; lưu trữ hồ sơ.
Các biểu mẫu được sử dụng trong quá trình TT phải tuân thủ Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18/6/2008 của Tổng TT Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong hoạt động TT, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, TT nội bộ trong các cơ sở GDĐH cần phải kịp thời thông tin cho TT Bộ GD&ĐT và TT Bộ chủ quản về những tiêu cực trong đơn vị mình nếu người đứng đầu cơ sở GDĐH không tạo điều kiện để TT thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp này, TT Bộ GD&ĐT cần có các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ cho TT nội bộ.
Ngoài ra, để phát huy vai trò của TTNB trong đấu tranh chống tiêu cực tại các cơ sở GDĐH, cùng với việc tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, TT Bộ GD&ĐT cần tổ chức phong trào thi đua trong lĩnh vực TT. Theo đó, đầu mỗi năm học, TT Bộ GD&ĐT cần phát động phong trào thi đua, ban hành bảng tiêu chí cụ thể; cuối mỗi năm học, TT Bộ GD&ĐT cần tiến hành tổ chức tổng kết, đánh giá và khen thưởng hay phê bình. Kết quả thi đua cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng./.
-Báo Giáo dục & Thời đại, số 199 ngày 15/12/2011-
Người viết : Ths. Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Thanh Tra – Pháp Chế, Đại học Duy Tân, 182Nguyễn Văn Linh, Tp. Đà Nẵng, điện thoại: 0511.3650403 (số nội bộ 107), di động: 0989.638374, E-mail: tranhungqt@yahoo.com,.
» Tin mới nhất:
- Bản tin pháp luật số 11 (21/02/2022)
- Bản tin pháp luật số 10 (31/12/2021)
- Bản tin pháp luật số 09 (15/06/2021)
- Bản tin pháp luật số 8 (02/03/2021)
- Bản tin pháp luật nội bộ số 7 (13/01/2021)
» Các tin khác: