Tin tức
Giáo dục phải vì mục tiêu chất lượng
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục trung học, được tổ chức ngày 10/8 tại Đà Nẵng.
Tham dự Hội nghị có gần 250 đại biểu, gồm lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GDĐT, Giám đốc và Trưởng phòng Giáo dục Trung học của 63 Sở GDĐT.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà đều nâng lên
Báo cáo tại Hội nghị, TS Vũ Đình Chuẩn,Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, năm học vừa qua, giáo dục trung học của cả nước đã có nhiều khởi sắc. Mạng lưới trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu phổ cập giáo dục THCS. Công tác phổ cập giáo dục THCS được tăng cường; chất lượng giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà đều được nâng lên.
Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có chuyển biến tích cực, nhất là khu vực các thành phố lớn. Theo đó, cả nước có 7.573 trong tổng số 13.348 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 56,7%); cấp THPT có 1.243 trong tổng số 3.356 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 37,04%). Chất lượng giáo dục ở trường đạt chuẩn quốc gia này đều bảo đảm.
Việc tổ chức dạy học ngoại ngữ (chương trình tiếng Anh 10 năm) ngày càng được quan tâm và tích cực triển khai ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Năm học vừa qua, số trường tham gia dạy và học theo chương trình tiếng Anh 10 năm ở cấp THCS đạt 46%, cấp THPT đạt 39%. Hiện có khoảng 47% học sinh cấp THCS và 15% ở cấp THPT theo học chương trình này. Các trường, lớp chưa đủ điều kiện thực hiện chương trình mới đang tích cực chuẩn bị điều kiện để có thể sớm triển khai.
Việc chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai tích cực. Sau khi ban hành chương trình GDPT mới (chương trình 2018), Bộ GDĐT đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động; Sở GD&ĐT các tỉnh tham mưu UBND địa phương ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), có kế hoạch triển khai cụ thể và phân trách nhiệm rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân.
Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trung học được nâng lên và chuẩn hóa; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện tích cực. Việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… để triển khai chương trình, SGK mới cũng được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Việc triển khai Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 cũng được thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh những mặt đạt được, giáo dục trung học còn một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng dạy thêm học thêm sai quy định, bạo lực học đường còn xảy ra; một bộ phận nhỏ giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc dư luận; việc thực hiện các quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT ở một số nơi còn cứng nhắc, chưa hiệu quả…
“Đầu năm 2019, Bộ GDĐT ra chỉ thị số 138 về chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, tại một số nơi, văn bản từ Bộ đã xuống Sở nhưng không về đến trường học hoặc lớp học. Để xảy ra tình trạng này là thất bại, bởi khi đó dù Bộ GDĐT có làm trăm phương nghìn kế cũng không thể nâng cao chất lượng” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn nói.
Phải để cho học sinh hạnh phúc khi đến trường
Phát biểu tại kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặt ra 5 vấn đề mà giáo dục trung học cần thực hiện.
Thứ nhất là quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Luật Giáo dục 2019, các Nghị quyết, Quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục đào tạo, đổi mới chương trình, SGK. Những đổi mới trong công tác quản lý, quản trị, tổ chức trường học… theo Luật Giáo dục 2019, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để áp dụng hiệu quả khi Luật có hiệu lực.
Thứ hai, về công tác dồn dịch điểm trường, giảm biên chế theo Nghị quyết số 18 và 19 của Bộ Chính trị, cần được thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo chất lượng giáo dục và quyền lợi của học sinh.
“Một số địa phương vừa qua dồn dịch điểm trường một cách cơ học, xoá bỏ điểm trường, đưa học sinh về học bán trú ở điểm trường chính, nhưng lại không quan tâm đến vấn đề địa hình chia cắt giữa trường với nhà của các em. Chúng ta cứ nghĩ đưa tất cả học sinh đến ở bán trú tại trường là tốt nhưng thực tế các em có thể gặp nhiều vất vả, khó khăn trong cuộc sống, tâm lý khi thiếu vắng gia đình. Học sinh sẽ hạnh phúc nhất khi được học ở gần nhà, gần bố mẹ” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải đặt chất lượng giáo dục, quyền lợi của học sinh lên hàng đầu khi thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến ngành. Công tác dồn dịch điểm trường hay tinh giảm biên chế phải được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, không cào bằng. Trước khi triển khai thực hiện, các địa phương cần rà soát, quy hoạch, tính toán, căn cứ vào quy mô phát triển, địa hình, địa lý thực tế… để đưa ra các phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Thứ ba, giáo dục trung học cần đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó cố gắng tiếp tục triển khai thực hiện những mô hình dạy học hiệu quả, tích cực như: giáo dục STEM, mô hình trường học gắn với di sản, trường học gắn với du lịch…
Thứ tư, về triển khai chương trình GDPT mới, toàn ngành giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng cần quyết tâm thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm học 2019-2020 này là: chuẩn bị SGK và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Về chuẩn bị SGK cho chương trình mới, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực thực hiện, trong tháng 9 tới sẽ hoàn thành việc thẩm định các bộ SGK đã được nhà xuất bản gửi về, trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng. Với nội dung giáo dục địa phương, ở cấp Tiểu học sẽ được lồng ghép trong các môn học, nhưng cấp THCS phải có tài liệu riêng. Tài liệu này do các địa phương xây dựng, song song với đó, địa phương được quyền lựa chọn SGK trong các bộ sách được phê duyệt. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các Sở GDĐT tích cực tham mưu lãnh đạo tỉnh sớm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và xây dựng hướng dẫn quy trình để chọn SGK.
Công tác bồi dưỡng giáo viên là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm bởi đây là nhân tốt quyết định thành công của chương trình GDPT mới. Quan điểm và cách thức bồi dưỡng lần này có nhiều khác biệt so với trước đây. Cụ thể, giáo viên thay vì chỉ được bồi dưỡng trực tiếp tập trung sẽ được kết hợp bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Nội dung bồi dưỡng không xoay quanh chương trình tổng thể, chương trình môn học của chương trình GDPT mới mà kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành.
“Nếu chúng ta có những thầy cô giáo không tốt, quá trình giáo dục sẽ gặp khó khăn, chất lượng giáo dục theo đó khó có thể đảm bảo” - Thứ trưởng nói.
Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và các điều kiện khác đảm bảo theo yêu cầu của chương GDPT mới, cũng được lãnh đạo ngành giáo dục lưu ý các địa phương.
Thứ năm, tục đổi mới phương pháp quản lý theo hướng phân cấp phân quyền, đặc biệt là tăng cường quản lý chất lượng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, công tác quản trị của nhà trường cần thay đổi chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác. Cách quản lý mới cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, khách quan, dân chủ, sáng tạo, đảm bảo sản phẩm giáo dục mà trường đào tạo ra sẽ chất lượng.
Một số việc mà giáo dục trung học cần thực hiện trong năm học tới để khắc phục hạn chế trong công tác quản lý là: tăng cường công tác quản lý bạo lực học đường; tăng cường công tác quản lý giáo viên để không còn tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm, đảm bảo đúng quy định.
Nguồn: moet.gov.vn
» Tin mới nhất:
- Hội nghị tổng kết công tác pháp chế ngành giáo dục năm học 2023-2024 (11/10/2024)
- 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục (30/08/2024)
- TỔNG KẾT 30 NĂM CÔNG TÁC THANH TRA CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN (17/05/2024)
- 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024 (21/02/2024)
- Bộ GDĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (30/11/2023)
» Các tin khác:
- Bộ GDĐT tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh tại 4 trường đại học (02/08/2019)
- Công điện về việc tập trung chỉ đạo tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 tại các địa phương (19/06/2019)
- Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) (17/06/2019)
- Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2019 họp phiên đầu tiên (15/04/2019)
- Một số điểm mới tại kỳ thi THPT Quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ-TCSP năm 2019 (21/03/2019)
- Một số nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học Việt Nam năm 2019 (03/01/2019)
- Bộ GD&ĐT thông tin về tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (05/12/2018)
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ (09/11/2018)
- Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018 (SWIS-2018) (12/10/2018)
- Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019 (20/08/2018)