Bài viết
XÂY DỰNG VĂN HOÁ CHẤT LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM
Tóm tắt
Xây dựng Văn hoá chất lượng (VHCL) trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục & đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, tạo bản sắc riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá giáo dục. Bài viết này tổng quan khái niệm VHCL, nhấn mạnh vai trò của VHCL và đề xuất một số giải pháp xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH Việt Nam.&a
1. Mở đầu
Đánh giá về chất lượng GDĐH, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu….”, đồng thời khẳng định một trong những nguyên nhân của hạn chế và yếu kém là do “công tác quản lý chất lượng …chưa được coi trọng đúng mức” [1]. Việc chưa coi trọng đúng mức công tác quản lý chất lượng (QLCL) trong các cơ sở GDĐH được xem xét ở hai cấp độ: ở cấp độ vĩ mô, hệ thống tổ chức và các cơ chế, chính sách đảm bảo chất lượng (ĐBCL) của ngành Giáo dục chưa phù hợp với thực tiễn phát triển GDĐH Việt Nam trong xu thế hội nhập; ở cấp độ vi mô, các cơ sở GDĐH chưa đầu tư cho công tác ĐBCL hoặc là mới chỉ tập trung vào một số yếu tố mang tính kỹ thuật để tạo ra chất lượng, chưa quan tâm đến yếu tố mang tính nền tảng, có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra chất lượng và tính bền vững của chất lượng chính là VHCL (Quality Culture).
2. Khái niệm Văn hoá chất lượng
VHCL là một vấn đề không mới đối với các nước có nền GDĐH tiên tiến nhưng lại khá mới mẻ đối với GDĐH Việt Nam. Xung quanh vấn đề VHCL có nhiều khái niệm khác nhau.
Theo Giáo sư Syed M. Ahmed, trường ĐH Kỹ thuật và Công nghệ thông tin Florida, Mỹ: “VHCL là một hệ thống giá trị của tổ chức thông qua đó tạo ra một môi trường khuyến thích sự hình thành và không ngừng phát triển chất lượng” [2].
Cơ quan Đánh gía Chất lượng và Tiêu chuẩn giáo dục quốc gia Thái Lan cho rằng “VHCL bao gồm các quy trình, giao tiếp, hành động và ra quyết định có suy xét nhằm đạt được chất lượng tốt hơn cho hệ thống và tổ chức giáo dục” [3].
Còn theo Hiệp hội các trường Đại học Châu Âu (European University Association - EUA), “VHCL là một kiểu văn hóa tổ chức góp phần nâng cao chất lượng một cách bền vững và được nhận diện bởi hai yếu tố: một là, tập hợp giá trị, niềm tin, sự mong đợi và cam kết đối với chất lượng; hai là, yếu tố cấu trúc, quản lý với các quy trình được xác định rõ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và nhằm nỗ lực phối hợp thực hiện” [4].
Có rất nhiều khái niệm khác nữa về VHCL trong GDĐH do các nhà nghiên cứu, các tổ chức liên quan đến GDĐH trên thế giới đề xuất, tuy nhiên, tựu trung lại có thể thấy cấu trúc của VHCL bao gồm: phần cứng là yếu tố mang tính kỹ thuật của hệ thống QLCL (các công cụ và cơ chế để xác định, đo lường, đánh giá, đảm bảo và nâng cao chất lượng) và phần mềm là yếu tố văn hoá và cam kết hướng tới chất lượng (tất cả các cá nhân và tổ chức trong cơ sở GDĐH đều tự nguyện cam kết phấn đấu đạt và nâng cao chất lượng).
Hệ thống giá trị trong VHCL cũng được nhiều tác giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ sở GDĐH lớn nêu ra với nhiều nội dung khác nhau. Jonh A. Good (1998) đưa ra 6 giá trị của VHCL gồm: i) tất cả chúng ta cùng nhau: công ty, nhà cung ứng, khách hàng; ii) không phân biệt cấp trên, cấp dưới; iii) giao tiếp cởi mở và trung thực; iv) mọi người biết được tất cả thông tin về mọi hoạt động; v) tập trung vào các quá trình; vi) không có thành công hay thất bại, chỉ có những kinh nghiệm học được [5]. Ranjit Singh Malhi (2013) nêu ra 8 giá trị: i) tập trung vào khách hàng; ii) gắn bó và trao quyền cho nhân viên; iii) cải tiến liên tục; iv) giao tiếp mở và trung thực; v) giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa vào thực tiễn; vi) làm việc theo nhóm xuyên suốt tổ chức; vii) quản lý quá trình; viii) khen thưởng và ghi nhận [6],vv…
Về mặt thực tiễn xây dựng VHCL, mỗi cơ sở GDĐH có hệ thống giá trị riêng của mình. Đối với Trường ĐH khoa học ứng dụng Hanze, Groningen, Hà Lan,VHCL được diễn đạt trong 4 giá trị chính: (i) phát triển cá nhân, (ii) tôn trọng và khoan dung, (iii) chấp nhận rủi ro, và (iv) tính chịu trách nhiệm [7]. Trường ĐH quốc gia Hà Nội, Việt Nam xây dựng VHCL dựa trên 6 giá trị cốt lõi: i) sáng tạo, ii) tiên phong, iii) tích hợp, iv) trách nhiệm xã hội cao, v) phát triển bền vững, vi) chất lượng cao [8].
3. Vai trò của VHCL đối với các cơ sở GDĐH
Từ các khái niệm VHCL, có thể thấy rằng xây dựng VHCL sẽ giúp cơ sở GDĐH có định hướng chiến lược phát triển phù hợp, định vị rõ chất lượng và VHCL trong sứ mạng, tầm nhìn và chiến lược phát triển; có hệ thống chính sách chất lượng, kế hoạch chất lượng, các giá trị chia sẻ, công cụ, tiêu chí và quy trình ĐBCL phù hợp; mọi thành viên (lãnh đạo, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và sinh viên) và các tổ chức, đơn vị trong cơ sở GDĐH đó đều hoạt động tuân theo các giá trị, chuẩn mực, quy trình và cam kết hướng đến chất lượng với tinh thần tự giác, tự nguyện, tin tưởng, hợp tác, chia sẻ, chịu trách nhiệm và luôn sáng tạo. Mặt khác, hình thành VHCL sẽ giúp cơ sở GDĐH dễ dàng thích ứng với những thay đổi của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế; thể hiện rõ cam kết chất lượng với xã hội; hình thành môi trường QLCL; có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực,... Hay nói cách khác, VHCL là nền tảng và động lực để cơ sở GDĐH duy trì và nâng cao chất lượng, là bản sắc riêng và lợi thế cạnh tranh của cơ sở GDĐH.
Ở Châu Âu, Hiệp hội các trường ĐH Châu Âu (EUA) nhận thức rõ vai trò của VHCL đối với việc nâng cao chất lượng của các cơ sở GDĐH trên khắp châu lục này nên đã xây dựng và triển khai một số dự án lớn về VHCL. Đó là, “Dự án VHCL giai đoạn 2002 – 2006” (Qualiy Culture Project 2002 – 2006) với sự tham gia của 134 cơ sở GDĐH thuộc 36 nước Châu Âu [9], Dự án “Nghiên cứu VHCL trong các cơ sở GDĐH giai đoạn 2009 – 2012” (Examining quality culture in higher education institutions (EQC, 2009 – 2012) đã khảo sát 122 cơ sở GDĐH trên khắp Châu Âu [10], Dự án “Thúc đẩy VHCL trong các cơ sở GDĐH giai đoạn 2012 – 2013” (Promoting quality culture in higher education institutions (PQC, 2012 – 2013) triển khai tập huấn cho các nhà quản lý chất lượng của các cơ sở GDĐH và tổ chức hội thảo gồm nhân viên của các cơ quan ĐBCL ở Châu Âu [11]. Nhiều trường ĐH ở Mỹ, Châu Phi và Châu Á đã xây dựng thành công VHCL. Ở Việt Nam, trường ĐH Quốc gia Hà Nội đang thực hiện kế hoạch xây dựng VHCL giai đoạn 2011 – 2015.
4. Nguyên tắc và biện pháp xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH Việt Nam
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, có thể khẳng định rằng xây dựng VHCL không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì sự hình thành văn hoá dù ở cấp độ nào, phạm vi nào cũng phải trải qua một quá trình, đòi hỏi phải được đầu tư về mọi mặt và phải được tiến hành một cách khoa học và đồng bộ.
4.1. Nguyên tắc xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH
- Xây dựng VHCL phải đảm bảo sự cân bằng giữa tiếp cận từ trên xuống (top – down approach), có nghĩa là người lãnh đạo cơ sở GDĐH phải là người khởi xướng, lãnh đạo và gương mẫu thực hiện xây dựng VHCL; và tiếp cận từ dưới lên (bottom – up approach), có nghĩa là tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên trong cơ sở GDĐH phải được tham gia vào tất cả các hoạt động xây dựng VHCL.
- Xây dựng VHCL phải phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở GDĐH, văn hoá dân tộc, văn hoá địa phương, các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia, quốc tế, … .
- Xây dựng VHCL gắn liền và thông qua công tác QLCL bên trong cơ sở GDĐH.
- Xây dựng VHCL phải gắn liền với việc đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của nhà đầu tư, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên và người học.
4.2. Một số biện phápxây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH
- Tổ chức rà soát lại Sứ mệnh và Tầm nhìn của cơ sở GDĐH, theo đó nhấn mạnh vai trò của chất lượng đối với sự phát triển của cơ sở GDĐH. Đồng thời, điều chỉnh, bổ sung Chiến lược phát triển của cơ sở GDĐH, trong đó thiết lập mục tiêu, định hướng nội dung, giải pháp và nguồn lực xây dựng VHCL.
- Xây dựng Chính sách chất lượng (Quality Policy) nhằm xác lập các mục đích chất lượng của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
- Xây dựng kế hoạch chất lượng (Quality Planning) nhằm triển khai chính sách chất lượng thành các mục tiêu và yêu cầu cụ thể, có thể đo lường được và đề ra các giải pháp, thời gian thực hiện.
- Hoàn thiện mô hình ĐBCL bên trong (Internal Quality Assurace) cơ sở GDĐH (bao gồm kiểm soát chất lượng – Quality Control và cải tiến chất lượng – Quality Improvement) đảm bảo sự phù hợp với mục tiêu và yêu cầu chất lượng, mục tiêu kiểm định chất lượng nhà trường và chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng của từng lĩnh vực và từng hoạt động phải được đánh giá một cách chính xác (sự chính xác không chỉ giúp lãnh đạo đánh giá đúng thực trạng mà còn giúp xóa bỏ những nghi ngờ, xung đột,… bên trong đội ngũ – những yếu tố cản trở đối với việc hình thành VHCL). Muốn vậy, cơ sở GDĐH cần phải xác lập các tiêu chí đánh giá chất lượng của từng lĩnh vực và hoạt động, rà soát và chỉnh sửa hệ thống các quy trình ĐBCL đồng thời công khai hóa các quy trình này, xây dựng hệ thống công cụ đánh giá chất lượng, thành lập bộ phận thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu.
- Triển khai các hoạt động ĐBCL đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, hướng đến mục tiêu quan trọng cần đạt được để xây dựng VHCL là mọi thành viên trong cơ sở GDĐH (gồm cả người học) đều nắm vững công việc của mình (trên cơ sở nắm vững kế hoạch của đơn vị, của trường), tổ chức thực hiện đạt chất lượng cao nhất (hiểu được công việc của bản thân cần được thực hiện như thế nào để đạt chất lượng cao nhất – gồm cả việc tuân theo các yêu cầu chất lượng, cải tiến, sáng tạo) để dần hình thành thói quen làm việc đạt và vượt chất lượng.
- Xây dựng hệ thống các giá trị phù hợp với môi trường bên trong và bên ngoài của cơ sở GDĐH, được tất cả các thành viên bên trong cơ sở GDĐH (internal stakeholders) cũng như các bên hữu quan bên ngoài (external stakeholders) chấp nhận.
- Tổ chức cho tất cả các thành viên trong cơ sở GDĐH tham gia thảo luận, góp ý vào bản dự thảo chiến lược, chính sách chất lượng, kế hoạch chất lượng, xây dựng hệ thống giá trị, các hoạt động ĐBCL, ….đồng thời tham vấn ý kiến của các bên hữu quan bên ngoài cơ sở GDĐH.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong cơ sở GDĐH về vai trò của chất lượng và VHCL, về chủ trương, chính sách và kế hoạch chất lượng, về nội dung xây dựng VHCL. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau để đạt được mục tiêu chính là tạo sự nhận thức đầy đủ và tạo sự đồng thuận trong tập thể cơ sở GDĐH về xây dựng VHCL.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng liên quan đến ĐBCL và VHCL cho tất cả các thành viên bên trong cơ sở GDĐH.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các mục tiêu xây dựng VHCL.
- Định kỳ từng năm học tổ chức đánh giá và tổng kết công tác xây dựng VHCL. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích trong xây dựng VHCL.
5. Kết luận.
Xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH Việt Nam trong bối cảnh hệ thống ĐBCL bên ngoài của GDĐH Việt Nam chưa hoàn chỉnh, nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn chế,….đòi hỏi tài năng và quyết tâm của lãnh đạo các cơ sở GDĐH, sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên bên trong và sự ủng hộ của các bên hữu quan bên ngoài cơ sở GDĐH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Tuyên giáo Trung ương (2014). Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 25-26.
[2] Syed M. Ahmed (2010). Quality Culture, College of Engineering & Computing Florida International University, Miami, Florida.
[3] http://www.onesqa.or.th/en/about/DirectorMessage.php
[4] European University Association (2010). Examining Quality Culture: Part 1 – Quality Asurance Processes In Higher Education Institutes, Brussels.
[5] John A. Woods (2008). The six values of a Quality Culture, CWL Publishing Enterprises, Madison.
[6] Ranjit Singh Malhi (2013). “Creating and Sustaining: A Quality Culture”, JDFM, S3.
[7] Hanze University of Applied Sciences, Groningen (2011). European Master in Social Work: Information dossier for Limited Initial Accreditation, available at http://www.fhstp.ac.at.
[8] Hoang Thi Xuan Hoa (2013). Building and development quality culture in VietNam National University, HaNoi, Internatinal Conference on Buiding Quality Culture and National Qualifications Framework, HCM City.
[9] European University Association (2006), Quality Culture in European Universities: a bottom-up approach, Brussels.
[10] European University Association (2011), Examining Quality Culture: Part II – Processes and Tools – Participation, Ownership and Bureaucracy, Brussels.
[11] http://www.eua.be/pqc.aspx.
SUMMARY
BUILDING THE QUALITY CULTURE IN
HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS IN VIETNAM
Building the Quality Culture (QC) in Higher Education Institutions in VietNam is an urgent requirement to enhance the quality of education, scientific research and public service, to create a unique identity and to increase the competitive capability in globalization of higher education. In this paper, the author has presented the concept of QC, emphasize the QC’s role and propose some solutions to building the QC in Higher Education Institutions in VietNam.
(a) TRƯỞNG PHÒNG THANH TRA, TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN, K7/25 QUANG TRUNG, TP. ĐÀ NẴNG.
- Bài báo được đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Vinh, Tập 43, Số 3B, 2014
» Tin mới nhất:
- Bản tin pháp luật số 11 (21/02/2022)
- Bản tin pháp luật số 10 (31/12/2021)
- Bản tin pháp luật số 09 (15/06/2021)
- Bản tin pháp luật số 8 (02/03/2021)
- Bản tin pháp luật nội bộ số 7 (13/01/2021)
» Các tin khác:
- CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC TƯ THỤC - MỘT GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM (12/02/2014)
- KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THANH TRA TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN (25/01/2013)
- Thời cơ vàng để đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam (21/08/2012)
- Phát huy vai trò của tổ chức thanh tra nội bộ trong đấu tranh chống tiêu cực tại các cơ sở giáo dục đại học (15/12/2011)
- Kinh nghiệm trong công tác thanh tra tại trường Đại học Duy Tân (15/12/2011)
- Nâng cao kỹ năng viết cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay (05/05/2011)