Bài viết
XÂY DỰNG VĂN HÓA CHẤT LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở CHÂU ÂU VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI KHỐI ASEAN
Tóm tắt. Xây dựng Văn hoá chất lượng (VHCL) trong các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) của khối ASEAN là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về GDĐH của khối ASEAN nói chung, của từng cơ sở GDĐH nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hoá giáo dục ngày càng mạnh mẽ. Từ thực tiễn xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH ở Châu Âu, bài báo rút ra những kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp xây dựng VHCL trong các trường ĐH của khối ASEAN.
Từ khóa: VHCL, ĐH,
1. Mở đầu
VHCL được hình thành từ lâu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và ở Châu Âu. Trong lĩnh vực GDĐH, VHCL được hình thành từ đầu thế kỷ XX tại một số trường ĐH của Mỹ. Việc xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH chỉ được thực hiện mạnh mẽ kể từ những năm 1990 đến nay.
Hiện có nhiều khái niệm khác nhau về VHCL tuy nhiên khái niệm do Hiệp hội các trường ĐH Châu Âu (European University Association – EUA) đề xuất được xem là toàn diện và được trích dẫn nhiều. Theo EUA: “VHCL là một kiểu văn hóa tổ chức góp phần nâng cao chất lượng một cách bền vững và được nhận diện bởi hai yếu tố: một là, tập hợp giá trị, niềm tin, sự mong đợi và cam kết đối với chất lượng; hai là, yếu tố cấu trúc, quản lý với các quy trình được xác định rõ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và nhằm nỗ lực phối hợp thực hiện” [1].
Từ khái niệm VHCL của EUA, có thể thấy rằng xây dựng VHCL sẽ giúp cơ sở GDĐH trở thành tổ chức có cấu trúc tổ chức và hệ thống quy trình chất lượng hợp lý, mọi thành viên (lãnh đạo, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và sinh viên) và các tổ chức, đơn vị hoạt động tuân theo các giá trị, chuẩn mực và cam kết hướng đến chất lượng với tinh thần tự giác, tự nguyện, tin tưởng, hợp tác, chia sẻ, chịu trách nhiệm và luôn sáng tạo. Hay nói cách khác, VHCL là nền tảng và động lực để cơ sở GDĐH duy trì và nâng cao chất lượng, là bản sắc riêng và lợi thế cạnh tranh của cơ sở GDĐH.
Xây dựng VHCL được nhiều trường ĐH, các tổ chức GDĐH và Bộ trưởng GD các nước ở Châu Âu đặc biệt coi trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền GHĐH Châu Âu nói chung, các cơ sở GDĐH của mỗi quốc gia nói riêng.
Trong những năm 1990, nền GDĐH ở Châu Âu rơi vào tình trạng tụt hậu, trì trệ, mất tính cạnh tranh so với GDĐH của Mỹ và một số nước Châu Á. Do đó, ngày 19/6/1999, 29 nước Châu Âu đã ký Bản Tuyên bố Bologna (hiện nay: 47 nước) với mục tiêu hình thành một khu vực GDĐH Châu Âu vào năm 2010 nhằm thu hút sinh viên trong và ngoài châu lục này. Từ Tuyên bố Bologna, nhiều thể chế, cơ chế, chính sách, chương trình hành động liên quan đến GDĐH trên toàn Châu Âu đã được hình thành trong đó có Hiệp hội ĐH Châu Âu (EUA) được thành lập năm 2001. EUA hiện là hiệp hội đại diện và hỗ trợ cho 850 thành viên là các cơ sở GDĐH ở 47 quốc gia Châu Âu. EUA đã tiến hành nhiều chương trình, dự án khác nhau nhằm phát triển GDĐH trong đó có các dự án xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH ở Châu Âu.
2. Nội dung
2.1. Xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH ở Châu Âu.
EUA nhận thức rõ vai trò của VHCL đối với việc nâng cao chất lượng của các cơ sở GDĐH trên khắp châu lục này nên đã tiến hành xây dựng và triển khai một số dự án lớn về VHCL như sau:
- Dự án “VHCL giai đoạn 2002 – 2006” (Qualiy Culture Project 2002 – 2006) [2]. Mục tiêu của dự án: nhận diện VHCL bên trong cơ sở GDĐH có thể được xây dựng và phát triển như thế nào?. Đại diện của 134 cơ sở GDĐH thuộc 36 nước Châu Âu tham gia dự án, được chia thành 03 vòng, mỗi vòng có 6 nhóm chủ đề thảo luận khác nhau: vòng 1 (2002 – 2003) gồm 48 cơ sở GDĐH của 28 nước; vòng 2 (2004 – 2005) gồm 44 cơ sở GDĐH của 23 nước và vòng 3 (2005 – 2006) gồm 42 cơ sở GDĐH của 24 nước.
- Dự án “Nghiên cứu VHCL trong các cơ sở GDĐH giai đoạn 2009 – 2012” (Examining quality culture in higher education institutions (EQC, 2009 – 2012) [3]. Mục tiêu của dự án nhằm giúp các cơ sở GDĐH trả lời câu hỏi: như thế nào và qua những hoạt động nào để đối phó với thách thức đảm bảo và nâng cao chất lượng? Dự án đã khảo sát 222 cơ sở GDĐH ở 36 nước vào năm 2010, thực hiện 59 cuộc phỏng vấn ở 10 cơ sở GDĐH (nằm trong số 222 cơ sở được khảo sát) vào năm 2011 và tổ chức cuộc hội thảo kéo dài 2 ngày vào tháng 2/2012 tại Edinburgh, Scotland. 30 chuyên gia về đảm bảo chất lượng (ĐBCL) từ các thành viên của EUA tập trung thảo luận về việc sử dụng kết quả khảo sát trong 02 giai đoạn trước để áp dụng, thảo luận những thách thức và những điển hình trong phát triển VHCL trong các cơ sở GDĐH.
- Dự án “Thúc đẩy VHCL trong các cơ sở GDĐH giai đoạn 2012 – 2013” (Promoting quality culture in higher education institutions (PQC, 2012 – 2013) [4]. Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực xây dựng VHCL cho các nhà QLCL của các cơ sở GDĐH trên toàn Châu Âu. Theo đó, dự án đã tiến hành 3 chương trình huấn luyện ở Zabreb (Cờ-roa-tia), Duisburg (Đức) và Lisbon (Bồ Đào Nha) từ tháng 4-6/2013, tổ chức hội nghị các nhân viên của các cơ quan ĐBCL ở Châu Âu vào tháng 9/2013.
Ngoài các dự án về xây dựng VHCL, từ năm 2006 EUA còn phối hợp với các hiệp hội, tổ chức về GDĐH và ĐBCL trong GDĐH ở Châu Âu tổ chức các diễn đàn ĐBCL (ĐBCL là một yếu tố ấu thành VHCL). Diễn đàn ĐBCL Châu Âu lần thứ 9 được tổ chức từ ngày 13-15/11/2014 tại ĐH Barcelona, Tây Ban Nha với sự tham gia của các nhà lãnh đạo phụ trách công tác ĐBCL bên trong các cơ sở GDĐH, sinh viên, đại diện các tổ chức ĐBCL, các nhà nghiên cứu về GDĐH và ĐBCL [5].
Các dự án VHCL đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo, giới học thuật, đội ngũ, người học, các cơ quan, tổ chức,… trong và ngoài các cơ sở GDĐH Châu Âu về vai trò của VHCL đối với sự phát triển bền vững về chất lượng GDĐH Châu Âu, đề xuất, giới thiệu nhiều mô hình xây dựng VHCL trong đó việc hoàn thiện công tác ĐBCL có vai trò quan trọng. Các dự án VHCL không nhằm đưa ra những quy định chung, khuôn mẫu chung,… trong xây dựng VHCL mà mỗi cơ sở GDĐH tùy theo đặc điểm, tình hình riêng của mình để đưa ra mô hình phù hợp.
Cùng với việc thực hiện Tiến trình Bologna, các dự án VHCL góp phần thúc đẩy sự phát triển của GDĐH Châu Âu trong những năm gần đây. Theo bảng xếp hạng các trường ĐH toàn cầu do tạo chí Times Higher Education thực hiện, niên khóa 2010 – 2011và 2014 – 2015, ở Châu Âu có 177, 178trường ĐH tương ứng lọt vào top 400 của thế giới, trong khi đó Mỹ là 113, 108 [6]; theo báo cáo của Viện thống kê UNESCO năm 2012: trong số 10 nước có sinh viên quốc tế đến học nhiều nhất (chiếm 62% toàn thế giới), Châu Âu có 05 nước nhưng chiếm tỷ lệ lên đến 29% (Mỹ: 18%) [7].
2.2. Bài học kinh nghiệm đối với khối ASEAN
2.2.1. Thực trạng GDĐH của khối ASEAN
Theo lộ trình đã hoạch định, vào cuối năm 2015 Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. GD nói chung, GDĐH nói riêngcó vai trò quan trọng trong 3 trụ cột, là trung tâm trong cam kết của các nước thành viên về xây dựng Cộng đồng ASEAN. Do đó, ASEAN đã ban hành Kế hoạch làm việc 5 năm của ASEAN về GD (2011 – 2015) với 4 ưu tiên và 20 chương trình, trong đó Ưu tiên 2B và Ưu tiên 3 liên quan trực tiếp đến GDĐH [8]. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình thuộc Ưu tiên 2B (tăng cường chất lượng GD) và Ưu tiên 3 (tính lưu động xuyên biên giới và quốc tế hóa GD) còn chậm, chưa đạt được những kết quả như kế hoạch đề ra. Theo Báo cáo GD ASEAN 2013, ASEAN chưa hình thành được một kế hoạch hành động của khu vực về quốc tế hóa GDĐH, còn tồn tại nhiều khác biệt trong cấu trúc trình độ và tiêu chuẩn giữa các nước, chưa có những thỏa thuận về trao đổi tín chỉ quốc tế ở khu vực [9].
So với nền GDĐH của Châu Âu, Bắc Mỹ hay Đông Á, GDĐH của khối ASEAN còn lạc hậu và yếu kém. Theo bảng xếp hạng các trường ĐH toàn cầu năm 2014 do ĐH Giao thông Thượng Hải hay Tạp chí US. News & World Report thực hiện thì các nước ASEAN chỉ có 04 trường ĐH (của Singapore và Malaysia) ở top 500 của thế giới, không có trường ĐH nào ở top 50.
Từ thực trạng của GDĐH ở ASEAN cho thấy việc thực hiện các dự án xây dựng VHCL trong các trường ĐHở ASEAN là rất cần thiết.
2.2.2. Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng VHCL ở Châu Âu đối với khối ASEAN
Từ quá trình xây dựng VHCL trong các cơ sở GDĐH ở Châu Âu, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp xây dựng VHCL trong các trường ĐH của khối ASEAN như sau:
Một là, xác định tổ chức điều hành xây dựng VHCL
Đến nay ASEAN đã thành lập 02 tổ chức liên quan đến GD: Tổ chức Bộ trưởng GD các nước Đông Nam Á (Southeast Asian Ministers of Education Organisation - SEAMEO) được thành lập vào năm 1965 có một trong những sứ mệnh chính là thúc đẩy hợp tác GD ở Đông Nam Á;Mạng lưới ĐH ASEAN (AUN) vào được thành lập vào năm 1995 có sứ mệnh kết nối các trường ĐHtrong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng GDĐH. Dựa vào sứ mệnh, AUN sẽ là tổ chức phù hợp để thực hiện xây dựng VHCL trong các trường ĐH ở ASEAN.
Mục tiêu của AUN là thiết lập và phát triển mạng lưới các trường ĐH “hàng đầu” trong khu vực và đến nay có 30 trường thành viên (Malaysia và Thái Lan: mỗi nước có 05 trường; Indonesia có 04 trường; Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam: mỗi nước có 03 trường; Cambodia có 02 trường; Brunei và Lào: mỗi nước có 01 trường) [10].Do đó, để thực hiện sứ mệnh mới khi Cộng đồng ASEAN hình thành,để tiến hành xây dựng VHCL trong các trường ĐH,AUN cần phải thay đổi mục tiêu và phạm vi hoạt động. Theo đó, AUN cần khuyến khích, kết nạpbất kỳtrường ĐHnàocủa khu vực khi có đơn xin gia nhập, xây dựng các chương trình hành động nhằm gia tăng sức cạnh tranh của hệ thống các trường ĐH của khu vực trên cơ sở tham khảo Tiến trình Bologna của Châu Âu.
Hai là, tổ chức đánh giá thực trạng chất lượng GDĐH của khối ASEAN
AUN cần thiết phải tổ chức đánh giá thực trạng chất lượng GDĐH của khối ASEANnhằm đưa ra báo cáo tổng quát, đầy đủ và chính xác nhất, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch nâng cao chất lượng GDĐH khu vựctrong đó có xây dựng VHCL trong các trường ĐH.
Ba là, hoạch định và triển khai kế hoạchxây dựng VHCL trong các trường ĐH của Cộng đồng ASEAN.
Kế hoạchxây dựng VHCLnên được tiến hành trong thời hạn 5 năm. Mục tiêu chính của kế hoạchlà nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên của các trường ĐH và các tổ chức, cá nhân liên quan bên ngoài các trường ĐH (external stakeholders) về VHCL; định hướng, đề xuất các giải pháp xây dựng VHCL; hỗ trợ các trường ĐH xây dựng VHCL.
Tổ chức các diễn đàn, hội thảo về VHCLvàxây dựng VHCL với sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác ĐBCL của các trường ĐH trên toàn khu vực ASEAN, đại diện lãnh đạo Bộ GD của các nước ASEAN, các cơ quan và tổ chức GDĐH và kiểm định chất lượng có uy tín trong và ngoài ASEAN. AUN cần mờicác chuyên gia và các nhà quản lý có kinh nghiệm trong xây dựng VHCL của Châu Âutham dự.
Thúc đẩy chương trình hành động về ĐBCL, kiểm định chất lượng của AUN đến toàn thể các trường ĐH, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức kiểm định GDĐH quốc tế và hỗ trợ thành lập các tổ chức kiểm định ở mỗi quốc gia; tổ chức diễn đàn thường niên về ĐBCL trong GDĐH của ASEANtương tự như các diễn đàn của EUA.
Tổ chức các chương trình huấn luyện về xây dựng VHCL cho lãnh đạo các trường ĐH của ASEAN. AUN cần mờicác chuyên gia, các nhà quản lý GD có kinh nghiệm trong xây dựng VHCL của Châu Âu tham gia các chương trình huấn luyện này.
Để thực hiện có hiệu quả các diễn đàn, hội thảo, chương trình huấn luyện, AUN cần thiết phải thành lập từng ban chỉ đạo tương ứng bao gồm đại diện của Ban quản trị hoặc Ban thư ký AUN và đại diện của một số trường ĐH thành viên của AUN.
Bốn là, tổng kết, đánh giáviệc thực hiện kế hoạch xây dựng VHCL.
Định kỳ hàng năm và cuối kỳ kế hoạch, AUN cần tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch về xây dựng VHCL. Đây là việc làm cần thiết nhằm đánh giá mức độ đóng góp của VHCL đối với sự phát triển của các trường ĐH và của nền GDĐH ASEAN đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho năm tiếp theo hoặc kỳ kế hoạch tiếp theo.
3. Kết luận
Xây dựng VHCL trong các trường ĐH của khốiASEAN trên cơ sở kinh nghiệm của Châu Âu là cấp thiết nhưng không dễ dàng vì đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và tài chính. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực của AUN và lãnh đạo từngtrường ĐH đồng thờicần sự hỗ trợcủa lãnh đạo giáo dục các nước thành viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] European University Association (2010), Examining Quality Culture: Part 1 – Quality Asurance Processes In Higher Education Institutes, Brussels.
[2] European University Association (2006), Quality Culture Project 2002 – 2006, Brussels.
[3] European University Association (2012), Examining quality culture in higher education institutions (EQC, 2009 – 2012), Brussels.
[4] European University Association (2013),Promoting quality culture in higher education institutions (PQC, 2012 – 2013,) Brussels.
[5] http://www.eua.be/eqaf-barcelona.aspx
[6]http://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2014-15/world-ranking
[7]http://www.uis.unesco.org/Education/Pages/international-student-flow-viz.aspx
[8] The ASEAN Secretariat (2012), ASEAN 5 Year Work Plan on Education (2011 – 2015), Jakarta.
[9] The ASEAN Secretariat (2014), ASEAN State of Education Report 2013, Jakarta.
[10] http://www.aunsec.org/aunmemberuniversities.php
ABSTRACT
BUILDING QUALITY CULTURE IN HIGHER EDUCATION INSTITUTIONS IN EUROPE AND LESSONS LEARNT FOR ASEAN
Building the Quality Culture in Higher Education Institutions in ASEAN is an urgent requirement to enhance the higher education competition capability of ASEAN in general and of each higher education institution in particular in the intensive education globalization. From experimental basis of building Quality Culture in Higher Education Institutions in Europe, this article aims to draw experiences and to suggest some solutions for building Quality Culture in universities in ASEAN.
Key words: quality culture, university, Europe, ASEAN
***
Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Thanh tra, Trường Đại học Duy Tân, 182 Nguyễn Văn Linh, Tp. Đà Nẵng, ĐT: 0989.638.374, email: tranvanhung@dtu.edu.vn
» Tin mới nhất:
- Bản tin pháp luật số 11 (21/02/2022)
- Bản tin pháp luật số 10 (31/12/2021)
- Bản tin pháp luật số 09 (15/06/2021)
- Bản tin pháp luật số 8 (02/03/2021)
- Bản tin pháp luật nội bộ số 7 (13/01/2021)
» Các tin khác:
- KÝ TỰ SỰ TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM TRUNG ĐẠI - NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT (15/12/2014)
- XÂY DỰNG VĂN HOÁ CHẤT LƯỢNG TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM (15/12/2014)
- CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC TƯ THỤC - MỘT GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM (12/02/2014)
- KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ THANH TRA TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN (25/01/2013)
- Thời cơ vàng để đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam (21/08/2012)
- Phát huy vai trò của tổ chức thanh tra nội bộ trong đấu tranh chống tiêu cực tại các cơ sở giáo dục đại học (15/12/2011)
- Kinh nghiệm trong công tác thanh tra tại trường Đại học Duy Tân (15/12/2011)
- Nâng cao kỹ năng viết cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay (05/05/2011)